Em bé bị thủng loét dạ dày

HÀ NỘIBệnh nhi 6 tuổi đau bụng, sốt, đi ngoài phân đen, có dấu hiệu nhiễm trùng, được đưa vào Bệnh viện đa khoa Hà Đông.

Ba ngày nay cháu bị chướng bụng, nôn nhiều, liên tục kêu đau khắp bụng, nhập viện ngày 20/4. Kết quả siêu âm và chụp CT cắt lớp cho thấy nhiều hình ảnh dịch, khí tự do trong ổ bụng bé. Bác sĩ chẩn đoán viêm phúc mạc do thủng tạng rỗng, chỉ định phẫu thuật nội soi.

Khi mổ, bác sĩ phát hiện tá tràng của bệnh nhân có ổ loét đã thủng, nhiều dịch ổ bụng và giả mạc. Kíp mổ khâu lỗ thủng, rửa sạch và dẫn lưu ổ bụng. Sau hai ngày điều trị, bệnh nhân ổn định, hết sốt, bụng mềm, ngồi dậy được.

Bệnh nhân tiếp tục điều trị nội khoa dạ dày sau khi xuất viện để phòng ngừa các biến chứng như bục, loét, chảy máu dạ dày, hẹp môn vị,

Bác sĩ Bùi Đức Duy, trưởng khoa Ngoại tiêu hóa, cho biết thủng ổ loét dạ dày, tá tràng thường gặp ở bệnh nhân lớn tuổi hoặc người mang tiền sử bệnh dạ dày. Đây là biến chứng nặng nề và trầm trọng của bệnh loét. Nếu không được chẩn đoán sớm và xử trí kịp thời, biến chứng này sẽ đe dọa tính mạng bệnh nhân.

Bệnh nhân này còn nhỏ tuổi, lại không có tiền sử viêm dạ dày trước đó, nên hiếm gặp. Phụ huynh thường nhầm lẫn bé bị rối loạn tiêu hóa hoặc đau bụng giun. “Nếu chủ quan và không điều trị kịp thời cho trẻ sẽ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm”, bác sĩ nhấn mạnh.

Bác sĩ khuyến cáo bệnh loét dạ dày, tá tràng ở trẻ nhỏ dưới 15 tuổi tỷ lệ tương đối ít. Phụ huynh lưu ý đến các triệu chứng của trẻ như đau bụng kéo dài hoặc đau bụng dữ dội, đưa trẻ đi khám ngay tại các cơ sở y tế để tránh những biến chứng nguy hiểm.

Ngoài ra, để phòng ngừa cho trẻ, phụ huynh điều chỉnh lối sống lành mạnh, loại bỏ thói quen mớm cơm để tránh lây nhiễm vi khuẩn HP. Hạn chế cho trẻ xem tivi hoặc chơi đùa trong khi ăn. Cho trẻ ăn nhiều rau quả, đủ chất dinh dưỡng, tránh thức khuya, ngủ đủ 8-10 tiếng một ngày, giảm stress, căng thẳng trong học tập.

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *